top of page
Search
Writer's pictureMai Trà

Phong tục và thú vui khi uống trà

Updated: Oct 31, 2019


Trung Quốc có câu tục ngữ: “Mở cửa ra phải lo bảy thứ: củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà“, có thể thấy trà chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và trong xã hội Trung Quốc. Sáu thứ đầu trong bảy thứ hoặc là nguyên liệu nấu ăn, hoặc là gia vị khi nấu thức ăn, nói chung đều liên quan tới bữa ăn hằng ngày; trà là thức uống duy nhất trong đó, mặc dù trà xếp cuối cùng trong đó nhưng địa vị lại rất đặc biệt.



Thú chơi trà của người xưa

Trà đạo Trung Quốc ngưng đọng lại những tinh túy văn hóa không phải là nghi thức phức tạp khó thực hiện, mà là một quá trình hưởng thụ về thể xác lẫn tâm hồn. Người Trung Quốc bất kể là nam nữ hay già trẻ, đểu có tình cảm đặc biệt với trà, mỗi loại trà được ví như mỗi giai đoạn của đời người. Thời niên thiếu, con người giống như trà xanh, non nớt đơn thuần, bộc trực, ngây thơ trong sáng, từng cử chỉ đều cố thể hiện bản sắc. Mặc dù mùi vị không đậm đà nhưng khi nhấm nháp nhâm nhi lại có ý nghĩa sâu sắc, trong trắng đáng yêu. Tuổi thanh niên, năm tháng tươi đẹp, có hương thơm như hoa cỏ, cũng có giấc mơ đẹp như một đóa hoa, đẹp như hoa trà, bao nhiêu cơ hội đều bày ra trước mặt, bất luận trong trà cho thêm hoa nhài, hoa quế hay hoa hồng, thì đều thơm tho, đẹp đẽ lay động lòng người. Thời kỳ trung niên ví như Hồng trà, hương vị nồng, màu đỏ cam, mặc dù không có vị thanh mát như trà xanh, nhưng lại có sức hấp dẫn của sự trưởng thành. Đến lúc già, lại là trà Phổ Nhĩ càng để lâu càng thơm, sự trầm lắng của thời gian thể hiện rõ trên người nó, trên tấm thân già cũng viết đầy những câu chuyện, mặc dù nhìn tưởng như già cỗi nhưng mùi vị lại đậm đặc mãnh liệt vô cùng, khiến người ta uống rồi lại muốn uống nữa.


TÌNH BẠN ĐƯỢC THỂ HIỆN TRONG MỖI ẤM TRÀ

Người phương Tây khi đãi khách thường dùng cà phê, còn người Trung Quốc lại có phong tục tiếp khách  dùng trà “Khách tới mời (hoặc dâng) trà“. “Đêm lạnh khách tới trà thay rượu, nước sôi trên bếp trúc lửa hồng“, dâng lên mời khách một cốc trà thơm nức mũi, là thể hiện sự nhiệt tình hiếu khách của chủ nhà.

Trước khi dâng trà mời khách và trước khi pha trà, thì điều đầu tiên bao giờ cũng là hỏi thăm sở thích của khách, nước pha trà không nên quá nóng kẻo làm bỏng lưỡi của khách, khi rót trà cho khách cần tôn trọng quy tắc “rượu đầy trà vơi” bởi vì cảm giác khi uống trà nóng là tốt hơn, nếu rót quá đầy khách không uống hết được ngay, trà dễ bị nguội. Nước trà trong cốc của khách chỉ còn 1/3 thì nên tiếp tục rót trà cho khách. Vì trà có tác dụng tiêu hóa tốt, nên khi bụng rỗng uống vào dễ gây đau dạ dày, vì thế khi dùng trà đãi khách thường có kèm thêm một chút đồ điểm tâm nữa.

Dân tộc Bạch ở Vân Nam coi “tam đạo trà” (trà 3 lượt) là nghi lễ cao nhất để đãi khách. “Tam đạo trà” có cách nói là “Một đắng hai ngọt ba hồi vị“, nó thể hiện sự trải nghiệm của đời người: Đắng trước ngọt sau, rồi quay lại suy ngẫm những gì đã qua (hồi vị).

Mỗi lần có khách quý tới, chủ nhân người dân tộc Bạch sẽ mời khách vào trong phòng, ngồi trước một bếp lửa đợi cho tới khi nước sôi, chủ nhà cầm bình đất pha trà chuyên dụng đặt trên bếp lửa, sau đó cho lá trà vào trong bình đất, dùng tay rung rung cái bình, để lá trà nóng đều, sau đó đổ nước sôi vào trong bình, hơi nước bốc lên phát ra tiếng kêu vang “bùm” giống như tiếng sấm kêu, do đó còn có tên là “trà sấm nổ”.



Khi trà đã pha xong, chia cho mỗi vị khách, đây là lượt trà đầu tiên – trà đáng. Nước trà đầu tiên có màu như hổ phách, vị đắng, nhưng hương thơm ngon. Sau đó, lượt trà thứ 2 được dâng lên cho khách, trên cũng lấy từ loại trà đắng này cho thêm đường đỏ, mật ong, bột hổ đào, hạt thông, vì thế có tên gọi “trà ngọt”, khẩu vị thơm ngọt nồng hậu. Cuối cùng là “hồi trà vị“, nguyên liệu phong phú hơn, có gừng, hoa tiêu, vỏ quế, vừng, bột lạc, khoảng hơn mười loại, khi uống vừa cay vừa tê.


UỐNG TRÀ VÀ HÔN NHÂN

Hồi thứ hai mươi lăm ở trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc”Hồng lâu mộng”, Phượng tỷ tặng Lâm Đại Ngọc hai âu lá trà, và ví von nói: “Cháu đã nhận lá trà nhà ta sao vẫn chưa làm dâu nhà ta chứ?”. Uống trà sao lại liên quan tới hôn nhân chứ?

Khi dâng sính lễ phải tặng chim nhạn làm lễ vật, tượng trưng kề vai sát cánh, chung thủy một lòng. Cùng với trà đã đi vào trong cuộc sống, trà dần dần thay thế chim nhạn tượng trưng cho tình cảm tốt đẹp, trở thành lễ vật làm sính lễ tốt nhất. Bởi vì thời cổ đại trồng trà đều áp dụng phương pháp gieo hạt trà, chứ không phải cấy ghép cây trà, do vậy con người dùng trà để gửi gắm tâm nguyện tốt đẹp, hi vọng con gái sau khi gả chồng có thể giống như cây trà, đâm chồi nảy lộc mọc rễ ở gia đình nhà chồng, cho đến cuối đời. Nếu con gái lấy chồng khác (tái hôn), giống như “nhận trà hai nhà”, sẽ bị người ta coi thường.



Cho dù là sau khi kết hôn xong, trà vẫn có tác dụng trong việc ổn định tổ chức gia đình, bồi dưỡng tình cảm vợ chồng. Ở Ninh Ba, Chiết Giang có tập tục “trà rể mới”, nam nữ thanh niên sau khi kết hôn, con rể lẩn đẩu tới nhà bố mẹ vợ đểu được khoản đãi nhiệt tình, thường người nhà sẽ dâng 2 – 3 lần trà cho con rể, người giàu có một chút sẽ dâng 7 – 8 lần. Trà gửi gắm hi vọng vào con rể, mong những ngày sau kết hôn cho dù xuất hiện mâu thuẫn trong cuộc sống nhưng khi con rể nhớ lại sự ân cần của bố mẹ vợ năm xưa sẽ đối xử tốt với con gái mình.


So với việc thưởng trà, mấy năm gần đây cà phê lọt vào danh sách tiêu dùng trong cuộc sống thành thị Trung Quốc, nhưng do loại cà phê “hòa tan” tiến vào thị trường Trung Quốc quá sớm và chưa kịp để người dân Trung Quốc hiểu về các loại cà phê khác nhau, phân biệt được nơi sản xuất khác nhau. Cũng chính vì vậy cà phê sản xuất ở vùng Vân Nam và Hải Nam Trung Quốc cũng chưa được thị trường nội địa đón nhận. Cho dù có một bộ phận nhỏ người thành phố ở Trung Quốc nhất định phải uống cà phê vào buổi sáng, nhưng sự phổ cập của cà phê cũng chỉ dừng lại ở mức như một nhu cầu tiêu dùng thời thượng. Ở thành phố, giới công sở coi việc uống cà phê như một hình thức giao tiếp, hẹn bạn bè uống cà phê ở tiệm cà phê, gọi một ly cà phê trò chuyện đôi chút với nhau, văn hóa cà phê đang dần dần trở thành một nét văn hóa thịnh hành ở các thành phố Trung Quốc.



1 view0 comments

コメント


bottom of page